FPT đã công bố mức tăng trưởng LNTT 19% svck trong 2 tháng đầu năm 2023, cao hơn đáng kể so với mức ước tính tăng trưởng một chữ số của chúng tôi. Chúng tôi duy trì ước tính tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 là 18% svck nhờ mức tăng trưởng ổn định của mảng dịch vụ CNTT nước ngoài và giáo dục và sự phục hồi tích cực của mảng đầu tư. Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu CNTT trong nước từ ngành ngân hàng sẽ được cải thiện trong Q2/2023, phù hợp với kế hoạch của công ty.
Chi tiết theo từng mảng hoạt động như sau:
• Mảng dịch vụ CNTT nước ngoài (LNTT tăng 27,3% svck) vẫn là động lực tăng trưởng chính, kết quả đạt được cao hơn kỳ vọng của ban lãnh đạo trong cuộc họp nhà đầu tư diễn ra vào tháng 2/2023 (+25% svck), cũng như ước tính trước đây của chúng tôi (+22%). Mảng CNTT nước ngoài đạt mức tăng trưởng doanh thu ổn định là 26% svck và giá trị ký mới tăng 30% svck trong 2 tháng đầu năm 2023 bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo thị trường, doanh thu trong 2T2023 từ Nhật Bản (+23,8% svck) và APAC (+56,7% svck) bù đắp cho mức tăng trưởng chậm hơn từ thị trường Mỹ và Châu Âu (+13% svck). Nhắc lại, thị trường Mỹ và Châu Âu vẫn ghi nhận kết quả doanh thu tích cực trong năm 2022 với mức tăng trưởng cao lần lượt là 50% và 19% svck.
• Tuy nhiên, mảng CNTT trong nước ghi nhận khoản lỗ trong 2T2023, mảng này thấp hơn kỳ vọng của công ty đặt ra là tăng khoảng 13-15% svck và ước tính hiện tại của chúng tôi là -12% svck đối với tăng trưởng LNTT. Khoản lỗ này là do thiếu các hợp đồng CNTT từ ngành bất động sản và ngân hàng. Ngoài ra, trong khi nguồn nhân lực không thay đổi, mảng CNTT trong nước bị ảnh hưởng do các dự án công có tỷ suất lợi nhuận thấp, nhưng công ty kỳ vọng sẽ có nhiều đơn đặt hàng hơn từ ngành ngân hàng từ Q2/2023.
• LNTT từ dịch vụ viễn thông tăng trưởng 7% svck nhờ tỷ suất LNTT giảm 60 điểm cơ bản svck do chi phí bản quyền cho các nội dung mới của dịch vụ Pay-TV tăng lên.
• Doanh thu quảng cáo trực tuyến sụt giảm trong bối cảnh suy thoái kinh tế trong nước, phát sinh khoản lỗ 2 tỷ đồng (-26,7% svck trong 2T2023).